Đặc sản Tết Canh Tý: Bún số 8, bánh tráng dừa... "cháy" hàng!

23/08/2020

admin , Tin tức

733

Những ngày này, tại làng nghề truyền thống làm bún số 8, bánh tráng nước dừa ở (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), người dân đang tất bật với công việc để kịp chạy đua phục vụ thị trường Tết Canh Tý 2020.

Rạng sáng, nhiều nhà dân ở xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã mở cửa, chong điện sáng trưng, thổi lò để làm bún. Bún số 8 ở xã Tam Quan Nam lâu nay nổi tiếng bởi vị dai, thơm với nguyên liệu chính là tinh bột mì. Vùng này có 36 hộ dân làm nghề, do đang vào đợt cao điểm sản xuất phục vụ Tết nên họ luôn tất bật với công việc.

Theo ông Bùi Văn Thưa, người có kinh nghiệm làm bún số 8 hơn 30 năm qua, tên gọi bún số 8 xuất phát từ việc khi bó bún, người làm sẽ gập lại thành hình số 8. Để bún ngon, bên cạnh việc chọn loại bột tốt thì công đoạn khuấy và canh lửa là yếu tố quyết định đến chất lượng bún. Hiện nay, nhiều hộ đã áp dụng máy móc vào trong quá trình sản xuất để nâng cao hiệu quả, giúp giảm bớt công lao động những vẫn làm ra nhiều sản phẩm.

 

Nghề làm bún số 8 tất bật vào vụ Tết.

Những ngày gần Tết, khách hàng mua nhiều hơn bình thường nên nếu ngày thường gia đình ông Thưa làm 40kg bột thì ngày Tết phải làm 60kg, mới đủ cung cấp cho thị trường.

“Có nhiều lúc thiếu bún nhưng thực sự làm không nổi. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, thức khuya dậy sớm và rất nhiều công đoạn nên mệt lắm”, bà Nguyễn Thị Tám (xã Tam Quan Nam) chia sẻ.

Sở dĩ có tên gọi là bún số 8 bởi sau khi phơi bún xong, người thợ sẽ cẩn thận cuộn những cọng bún khô thành hình số 8 cho gọn gàng và bắt mắt. 

Tại thôn Cửu Lợi Bắc (xã Tam Quan Nam), những hộ dân làm nghề đúc bánh tráng dừa cũng bận rộn không kém. Bà Trần Thị Ánh (ở thôn Cửu Lợi Bắc) cho biết, từ đầu tháng Chạp gia đình bà đã phải tăng cường sản xuất để kịp cung cấp bánh cho thương lái. Ngày thường chỉ tráng khoảng 1.200 bánh, dịp Tết tăng lên 1.500 bánh.

“Bắt đầu 4 giờ sáng dậy làm, chuẩn bị bột, mé dừa, gia vị rồi quay bột, trộn bột cho đều rồi mới tráng. Làm cả ngày, lúc nghỉ sớm thì 5,6 giờ tối còn nếu trễ thì tầm 7,8 giờ, rất mệt nhưng cố gắng ngày Tết”, bà Ánh cho hay.

Bà Trần Thị Ánh tất bật cho công việc tráng bánh phục vụ Tết.

Hiện tại, huyện Hoài Nhơn có 4 làng nghề là chiếu cói, bánh tráng, bún bánh số 8 và làng nghề thảm sơ dừa được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề. Trung bình hàng năm, làng nghề chiếu cói sản xuất 1,2 triệu chiếc, nghề bún số 8 và bánh tráng nước dừa đạt sản lượng khoảng 850 ngàn tấn/năm. Bốn làng nghề này đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm người dân địa phương.

Đặc sản bánh tráng dừa Bình Định.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Trương Đề, vụ Tết người dân sản xuất rất nhộn nhịp và địa phương đang xây dựng đề án gắn phát triển làng nghề với du lịch.

“Cuối năm thời tiết tương đối thuận lợi trong việc sản xuất bún bánh số 8 cũng như chiếu cói nên những tháng cuối năm sản lượng tăng rất cao, góp phần thu nhập rất cao cho bà con làng nghề, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện nhiều phương án để làm sao phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường và du lịch”, ông Đề cho hay.

Contact Me on Zalo